Trước thực trạng nguồn nhân lực y tế còn thiếu hụt lớn, nhất là đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giỏi, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp để giải quyết, điều này hứa hẹn mang lại hiệu quả thiết thực.
Người bệnh điều trị ung thư tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy.
Đến nay, Quảng Ninh đạt 14,7 bác sĩ/vạn dân, cao hơn trung bình chung của cả nước (10 bác sĩ/vạn dân). Tuy nhiên, cơ cấu nhân lực y tế chưa cân đối, phần lớn bác sĩ đều tập trung tại một số đơn vị tuyến tỉnh, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển. Trong khi đó, nguồn nhân lực y tế vẫn thiếu trầm trọng ở các bệnh viện đặc thù, chuyên ngành như Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng, phổi...
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, gần 20 năm nay, bệnh viện không tuyển dụng được bác sĩ chính quy về làm việc. Hiện cả bệnh viện chỉ có 3 bác sĩ chính quy (1 Giám đốc, 1 Phó giám đốc và 1 Trưởng khoa). Theo giải thích của các bác sĩ vì nhiều ưu đãi vẫn còn thấp nên chưa thật sự thu hút được các bác sĩ.
Điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện số 2 (Ảnh chụp tháng 3/2020).
Nhân lực ở tuyến y tế cơ sở (Trung tâm y tế (TTYT), bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã), nhất là vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn hạn chế cả số lượng và chất lượng. Tỷ lệ bác sĩ hệ điều trị tại các địa phương vùng khó khăn như Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn rất thấp. Không những vậy, số bác sĩ đào tạo hệ liên thông (hệ đào tạo 4 năm) chiếm số lượng lớn. Chính hạn chế này khiến cho y tế cơ sở chậm phát triển so với y tế tuyến tỉnh, người dân vùng sâu, vùng xa chưa được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng ngay tại nơi sinh sống.
Tại TTYT huyện Bình Liêu hiện có 21 bác sĩ, trong đó 7 bác sĩ được tuyển từ năm 2012-2016. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm không tuyển thêm bác sĩ nào, trong khi đó có 1 bác sĩ chuyển công tác và 2 bác sĩ sẽ nghỉ hưu trong năm 2020. Trung tâm hiện thiếu khoảng 10 bác sĩ ở các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Đông y...
Bác sĩ Ngô Thị Bình, Giám đốc TTYT huyện Bình Liêu, cho biết: Trong số 21 bác sĩ của TTYT huyện Bình Liêu có 3 bác sĩ trong Ban lãnh đạo, 2 bác sĩ hệ dự phòng, mỗi năm có 1-3 bác sĩ đi học nâng cao trình độ, nên thực tế chỉ có 13-15 bác sĩ thường trực tại các khoa, phòng để khám, chữa bệnh mỗi ngày. Do thiếu người nên một bác sĩ ở đây phải kiêm nhiệm từ 1 đến 2 chuyên khoa khác nhau.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện các ca mổ tim hở thông thường.
Đối với y tế tuyến tỉnh, những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp các bệnh viện, với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Đặc biệt Quảng Ninh cũng là đơn vị tuyến tỉnh phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu, như Trung tâm Can thiệp và phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy), Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản Nhi), Bệnh viện lão khoa... Nhờ đó, các y bác sĩ của Quảng Ninh đã thực hiện được trên 2.100 kỹ thuật cao, chuyên sâu của tuyến Trung ương.
Sự “thay da, đổi thịt” của hệ thống y tế Quảng Ninh đã đánh dấu một bước tiến của ngành y tế. Song sự “đi trước một bước” của cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại những trung tâm y tế chuyên sâu cũng đang đặt ngành y tế trước bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực. Nhất là yêu cầu phát triển nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao tại đây là đòi hỏi và thách thức lớn đối với phát triển y tế tại tỉnh.
Bác sĩ Bùi Văn Thế (bên phải), được luân chuyển từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh về làm Phó Giám đốc TTYT huyện Hải Hà.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện cho biết: Trước thực trạng đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực, tỉnh đã cho phép ngành Y tế xây dựng Đề án thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao giai đoạn 2020-2025. Đề án được xây dựng nhằm phát triển bền vững nguồn nhân lực chất lượng cao (bác sĩ, dược sĩ và chuyên ngành CNTT) tại các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng bộ cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, phù hợp với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân tại các địa phương trong tỉnh và phát huy hiệu quả đầu tư của tỉnh cho ngành y tế.
Với quan điểm của tỉnh, đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành y tế là một trong những giải pháp góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nâng cao uy tín và tạo ấn tượng tốt đẹp về ngành y tế, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Nguyễn Hoa - https://www.quangninh.gov.vn/