So với Việt Nam, chúng ta có thế mạnh phát triển tuyến hệ thống y tế cơ sở. Đây là bàn tay nối dài của bệnh viện huyện, tỉnh để xử lý những bệnh đơn giản. Trong dịch Covid-19 thì những ca không có triệu chứng vẫn có thể cách ly ngay tại tuyến xã.
Hệ thống y tế ở Ấn Độ vẫn còn thiếu thốn về trang thiết bị. Nhưng so với Việt Nam, nếu chúng ta rơi vào tình trạng như Ấn Độ, dịch lan tràn vào bệnh viện cũng khó mà vượt qua được, số ca tử vong sẽ rất cao.
Con số tử vong của Ấn Độ đã lên hơn 4000 người 1 ngày, đây là điều đáng tiếc nhưng viễn cảnh này có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
Đến sáng nay đã có 7 bệnh viện phải phong toả trong đó có 2 bệnh viện lớn trực thuộc trung ương, là tuyến cuối. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam?
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Việc phong toả các bệnh viện như vậy sẽ rất ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch. Như tôi đã nói bệnh viện là tuyến phòng chống dịch cuối cùng. Nếu phong toả, khi đại dịch xảy ra thì đâu còn nguồn lực chống lại được nữa.
Hiện số lượng dịch chưa phải quá lớn nên có thể phong toả bệnh viện để "làm sạch" bệnh viện. Nhưng nếu trong tương lai, dịch bùng phát lên, bệnh viện vẫn phải mở cửa chữa bệnh nhân vì có những bệnh lý còn nguy hiểm hơn cả Covid-19 như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, chấn thương...
Chúng ta cần có phương án nếu dịch bùng phát bệnh viện có người nhiễm virus. Vậy việc cần là một quy trình làm sao để virus không tác động tới những bệnh nhân nặng, hồi sức và không làm dịch lan tràn không khống chế được.
Bác sĩ đã tiêm chủng đầy đủ, xét nghiệm âm tính cần đưa vào chống dịch, kể cả lực lượng dự bị cũng cần huy động. Chống dịch lâu dài nên vấn đề nhân lực rất quan trọng. Nếu bác sĩ mệt mỏi sẽ có quyết định sai lầm để lại hậu quả trên chính người bệnh.
Chỉ mấy ngày qua, tôi thấy anh em lực lượng CDC đã mệt mỏi trong truy vết, lấy mẫu. Khi lực lượng này mệt mỏi thì chính là các bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện phải "ra trận".
Ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của đợt dịch thứ 4 này?
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Tôi cho là đợt dịch này rất nghiêm trọng. Như dịch ở Đà Nẵng chỉ xảy ra ở 1 bệnh viện mà cả thành phố rung chuyển, 35 người đã tử vong. Lần dịch này nguy hiểm ở chỗ, có nhiều nguồn lây khác nhau, nhiều ổ dịch khác nhau, dịch tấn công âm thầm vào các bệnh viện.
Chúng ta phát hiện dịch chưa được sớm nên dẫn tới tình trạng bệnh nhân rồi người nhà bệnh nhân đến chăm bệnh nhân đã đi về các tỉnh, lây ra ở các tỉnh.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, theo ông, chúng ta cần làm gì để ngăn chặn dịch bệnh loang rộng?
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Theo tôi đề xuất các cơ quan có thẩm quyền, chúng ta cần chấp nhận hi sinh để giãn cách xã hội tạm thời. Khi số ca bệnh tăng lên mỗi ngày thì cần giãn cách. Giãn cách có rất nhiều tác dụng, lực lượng chức năng đỡ mất sức hơn trong công tác truy vết, giảm nguy cơ mất dấu F0.
Đặc biệt, giãn cách sớm ý thức người dân tăng cường lên. Ví dụ như tại Hà Nội người dân ít ra đường hơn nhưng mọi sinh hoạt vẫn còn nhiều. Các quán xá vẫn hoạt động.
Ngay cả trước cửa Bệnh viện tôi thì các quán nước vỉa hè vẫn hoạt động, người dân vẫn vô tư ngồi uống nước chè, buổi sáng vẫn đi tập thể dục rất đông. Nếu giãn cách xã hội, ý thức của người dân sẽ tăng lên họ sẽ tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân của mình.
Tại ổ dịch ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV K Trung ương, lượng bệnh nhân và người nhà đến rất đông rồi toả về các địa phương cũng do thói quen của người dân Việt đó là thăm hỏi nhau khi ốm đau, 1 người đi viện khám thì sẽ có 2, 3 người đi cùng. Theo ông điều này đúng không?
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Việc đi cùng với người nhà đến bệnh viện sẽ là thói quen khó bỏ. Ngay cả bố mẹ tôi ốm tôi cũng rất sốt ruột và phải đi cùng. Điều tôi muốn nói là thói quen thăm bệnh nhân nên dừng lại, đặc biệt là trong dịch Covid-19 lần này.
Tại BV Đại học Y Hà Nội chúng tôi không cho người nhà đến thăm hỏi. Điều đó cũng gây nhiều bức xúc thậm chí xô xát với bảo vệ chỉ vì bệnh viện quy định không cho người nhà đến thăm.
Theo tôi việc người nhà đến thăm có thể động viên tinh thần người bệnh nhưng lại gây nguy hiểm cho cả người đến thăm vì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất lớn. Tôi cũng mong muốn người dân của mình hiểu hơn thông điệp này và không nên đi thăm hỏi người ốm trong thời kỳ dịch bệnh.
Ông và nhiều chuyên gia khác cùng đánh giá vaccine là chìa khoá để bước ra khỏi đại dịch. Nhưng trong buổi trao đổi trực tuyến vừa qua, TS Nguyễn Đức Thái lại cho rằng tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ mắc Covid-19. Hai điều này có mâu thuẫn với nhau không? Chúng ta cần giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào?
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Vaccine chắc chắn là chìa khoá cuối cùng của bất cứ đại dịch nào trên thế giới.
Nếu không tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng thì khó dập đại dịch. Hiệu quả của vaccine đến đâu đã được thế giới nghiên cứu và công nhận, chắc chắn vaccine không có hiệu quả sẽ không được sử dụng rộng rãi. Lý do khi có sự sử dụng rộng rãi là hiệu quả được chứng minh.
Nhưng tiêm vaccine cũng không chống được Covid-19 100% vì nguyên lý tiêm vaccine là tạo ra kháng thể để cơ thể chống lại con virus đó. Tuy nhiên, việc tạo ra kháng thể thì lại do từng cơ địa, thời gian tiêm, cơ chế sinh kháng thể.
Do đó có trường hợp chúng ta tiêm vaccine chưa đủ thời gian, khả năng bao phủ kháng thể chưa đủ để tiêu diệt virus vào cơ thể thì xét nghiệm vẫn dương tính, nhưng chúng ta sẽ yên tâm hơn khi nhiễm virus trong cơ thể đã có sẵn kháng thể sẽ làm giảm nặng lên của bệnh.
Người đã tiêm vaccine Covid-19 ít nhất vẫn được bảo vệ 60% và khi bị nhiễm thì diễn tiến nặng sẽ giảm đi rất nhiều.
Nguồn: Soha.vn