Để có được sự phát triển như ngày nay, ngành dược học đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài với nhiều biến cố và sự kiện. Bắt đầu từ những cách bào chế thuốc dân gian được đúc kết từ những năm trước Công nguyên (CN) cho tới sự ra đời của cả một ngành công nghiệp bào chế dược phẩm, bước ngoặt của quá trình này chỉ bắt đầu diễn ra từ đầu thế kỷ 19 và được xem là dấu mốc cho lịch sử phát triển của ngành dược học ngày nay.
Trước khi ngành công nghiệp dược phẩm ra đời, ít ai biết rằng dược học từng là một ngành khoa học độc lập và tách rời với y học. Tuy nhiên, quá trình bào chế các dược phẩm với mục đích chữa trị bệnh đã giúp ngành dược nhích lại gần hơn với mục tiêu chữa trị bệnh và gắn liền với y học hiện đại.
Ban đầu, ngành pha chế dược liệu chỉ đơn giản là cách chiết xuất một số dược chất từ một số loại thực vật trong thiên nhiên. Công việc này được người Ấn Độ gọi là Sushruta Samhita. Pha chế dược liệu bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ thứ 6 trước CN và được ghi chép lại thành tài liệu nghiên cứu trong khoảng thế kỷ thứ 3 – thứ 4 sau CN. Ấn Độ có một lịch sử pha chế dược phẩm lâu đời và phức tạp nhất thế giới. Các triết gia người Ấn Độ được xem là tác giả của những tác phẩm pha chế dược nổi tiếng như Sushrutha Muni, Charaka Muni, Sharngadara Muni…
Bên cạnh Ấn Độ, người Ai Cập cổ cũng được biết đến là những nhà pha chế dược đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Thậm chí, những tài liệu viết về việc pha chế dược trong lịch sử Ai Cập cổ đại còn ra đời trước cả những tài liệu đầu tiên của người Ấn. Vào năm 1550 trước CN, các nhà pha chế dược học Ai Cập đã ghi lại công thức và thông tin về pha chế dược liệu trên giấy cói papyri. Ai Cập là một trong những quốc gia sớm biết cách sử dụng dược liệu để chữa trị bệnh. Vào thời của các thầy tu nổi tiếng trong lịch sử Ai Cập như Imhotep, người ta đã bắt đầu dùng dược liệu như mật ong trộn với thảo dược và nhiều loại cây cỏ khác để đắp lên vết thương ngoài da giúp cho vết thương mau lành và chống nhiễm trùng.
Tại Trung Quốc cổ đại, từ thế kỷ thứ nhất sau CN cũng đã xuất hiện các tác phẩm về pha chế dược liệu. Dưới triều đại nhà Hán, lĩnh vực này càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tiêu biểu là cuốn sách ghi lại 52 công thức pha chế dược được tìm thấy trong mộ của Mawangdui được niêm phong từ năm 168 trước CN.
Ở Hy Lạp cổ đại, theo ghi chép của các nhà khoa học Edward Kremers và Glenn Sonnedecker, trước, trong và sau thời của Hippocrates, một nhóm những người chuyên nghiên cứu về thực vật của Hy Lạp thời kỳ này đã bắt đầu chế xuất dược phẩm. Vào thế kỷ thứ 4 trước CN, chuyên gia hóa dược nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại là Pedanius Dioscorides đã viết cuốn sách nổi tiếng về công thức pha chế dược của Hy Lạp dịch ra tiếng Latinh là De Materia Medica (Nguyên liệu dược học).
Ra đời sau các quốc gia như Ai Cập, Hy Lạp, hay Trung Quốc, song ngành dược học ra đời ở Nhật Bản vào cuối thời kỳ Asuka (năm 538 - 710 sau CN) đầu thời kỳ Nara (710 - 794) lại rất được chú trọng. Những chuyên gia pha chế dược tại Nhật Bản rất được mọi người ngưỡng mộ. Thậm chí, các hoàng đế cũng rất coi trọng họ. Những nhà pha chế dược được giữ các vị trí trong hội đồng hoàng gia và có nơi làm việc riêng. Vào những năm 1868, các dược sĩ và thậm chí là trợ lý của họ được coi là những người chăm sóc sức khoẻ cho dân chúng, họ làm nhiều công việc, trong đó có cả các công việc như châm cứu và chữa trị bệnh. Các dược sĩ thậm chí còn có vai trò lớn hơn cả các vị lang y trong xã hội Nhật Bản thời đó.
Tuy nhiên, phải cho tới nhiều năm sau, pha chế dược liệu mới thực sự phát triển. Do nhu cầu thuốc trị bệnh trong xã hội ngày một gia tăng, dược liệu được pha chế với công thức khác nhau dùng để đặc trị các loại bệnh khác nhau đã mang lại cho những nhà pha chế dược liệu lợi nhuận từ công việc này. Từ những năm đầu thế kỷ thứ 10 trở đi, dược phẩm ngày càng được sản xuất nhiều với quy mô lớn hơn. Những cửa hàng kinh doanh dược phẩm đầu tiên được mở vào năm 1241 ở Trier, Đức. Ngành dược khi đó mới thực sự gắn bó chặt chẽ với y học.
Tới thế kỷ 16 - 17, những cuốn sách sưu tập các loại đơn thuốc dành cho các loại bệnh và một số tên thuốc cổ đã được xuất bản tại xứ Catalan. Song phải tới tận thế kỷ 19, ngành công nghiệp dược phẩm mới thực sự hình thành và phát triển. Các hãng dược phẩm ra đời và liên tục tung ra thị trường nhiều loại dược phẩm mới, biến ngành công nghiệp sản xuất thuốc trở thành ngành công nghiệp triệu đô.
Trường Cao đẳng Y Hà Nội – Nguồn tham khảo: Sức khỏe đời sống