Cách chọn đáp án môn thi trắc nghiệm
Với môn toán, giáo viên Lê Minh Huy, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM) "bỏ nhỏ" thí sinh (TS) nên tận dụng và sử dụng máy tính cầm tay để tăng tốc độ làm bài. Theo thầy Huy, đề thi với thời lượng 90 phút cho 50 câu hỏi, do đó mỗi câu có không quá 2 phút để giải. Vì vậy để tăng tốc độ làm bài, TS cần nắm chắc cách sử dụng máy tính cầm tay nhằm giải quyết một số các dạng toán.
Thầy Lê Minh Huy cho hay TS có thể sử dụng máy tính cầm tay để tính toán rút gọn các biểu thức logarit, số phức, tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số, tìm nguyên hàm, tích phân và thậm chí tính toán các tọa độ điểm, vectơ trong không gian Oxyz. Việc thành thạo thao tác máy tính cá nhân sẽ giúp TS tiết kiệm được thời gian để giải quyết các câu hỏi khó phía sau. "Tuy nhiên cần lưu ý, bấm máy tính chỉ là công cụ giúp tính toán nhanh hơn, còn việc tư duy, lập luận vẫn là do bản thân TS", thầy Huy nhắc nhở.
Học sinh lớp 12 trong những ngày cuối ôn tập chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra tuần sau
Bên cạnh đó, để làm tốt các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, thầy Phạm Lê Thanh, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), khuyên phải "nằm lòng" kỹ năng làm trắc nghiệm nhanh. "Cụ thể, khi làm đề thi, các em chú ý cần phải gạch vào những chữ "mấu chốt" trong đề thi để làm chính xác và tránh đọc quá lâu các nội dung không cần thiết gây loãng mạch tư duy suy nghĩ", thầy Thanh nhắn nhủ.
Còn theo thạc sĩ Trần Ngọc Anh, giáo viên môn địa Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nắm vững các kiến thức cơ bản là nền tảng quan trọng để các em loại trừ các đáp án nhiễu, xác định đúng trọng tâm trong ý hỏi và chọn câu trả lời đúng nhất khi làm các câu vận dụng. "Chiến lược làm bài thi cũng rất quan trọng, đối với các câu hỏi khó, chưa xác định được đáp án thì các em nên tham khảo thông tin liên quan trong atlat địa lý để tăng tính chắc chắn cho câu trả lời", thầy Ngọc Anh khuyên.
Những lỗi đáng tiếc cần tránh với môn ngữ văn
Từ đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm nay, thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết đều là dạng câu hỏi rất quen thuộc, từng xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2018, 2019, 2022. TS dễ dàng trả lời câu hỏi này bằng cách dựa vào số lượng tiếng (chữ) trong các dòng thơ để xác định.
Để làm tốt các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, thí sinh phải "nằm lòng" kỹ năng làm trắc nghiệm nhanh
Tuy vậy, theo thầy Hoài, thực tiễn chấm thi tốt nghiệp THPT các năm qua cho thấy, còn nhiều trường hợp TS trả lời sai vì đoán mò thể thơ. Chẳng hạn, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thể thơ tự do nhưng TS vẫn trả lời thể thơ lục bát, Đường luật. Thậm chí có TS nhầm lẫn thể thơ với phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ hay thao tác lập luận.
Bên cạnh đó, TS thường mắc một số lỗi dẫn đến bị trừ điểm như: nêu tác dụng của biện pháp tu từ một cách chung chung (làm cho đoạn thơ gợi hình gợi cảm, mang sắc thái văn chương), chỉ được 0,25/1 điểm. Có TS không trả lời tác dụng của biện pháp tu từ so sánh mà nói sang biện pháp tu từ khác (ẩn dụ, nhân hóa…) nên không có điểm.
Theo thầy Hoài, khi làm bài thi, TS cần căn cứ vào nội dung của câu thơ (đoạn thơ) và nắm vững tác dụng của một số biện pháp tu từ quen thuộc thì mới có thể đạt điểm trọn vẹn ở câu hỏi này. Cách dễ nhất là nhớ theo từ khóa, chẳng hạn: tác dụng của biện pháp tu từ so sánh là làm nổi bật, phép điệp là nhấn mạnh, liệt kê là diễn tả những khía cạnh khác nhau (của thực tế, của tư tưởng, của tình cảm)…
Nếu đề hỏi nội dung của những câu thơ (đoạn thơ) thì TS cần chú ý các từ ngữ, hình ảnh để trả lời. TS phải đọc kỹ văn bản, hiểu rõ nội dung để lấy trọn vẹn điểm phần này.
Ngoài ra, TS thường bị mất điểm ở câu 3, câu 4 phần đọc hiểu là do viết quá ngắn (1 câu) nên không đủ ý. Hoặc TS viết câu quá dài dẫn đến diễn đạt lủng củng, lan man, không đúng nội dung. Vì vậy, thầy Hoài khuyên TS cần trả lời câu hỏi gọn gàng, trọng tâm, khoảng 4 - 5 dòng là phù hợp. Ngoài ra, cần viết câu đầy đủ thành phần chủ ngữ, vị ngữ.
Nguồn: thanhnien.vn