Tăng axit uric trong máu liên quan mật thiết tới bệnh gút. Giảm axit uric có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút và ngăn ngừa các đợt bùng phát tiếp theo của bệnh này.
Trong bệnh gút, axit uric hình thành các tinh thể trong khớp, thường ở bàn chân và ngón chân cái, gây sưng tấy và đau đớn. Một số người cần điều trị bệnh gút bằng thuốc, nhưng thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng rất hữu ích, giúp giảm nồng độ axit uric trong máu, giảm nguy cơ bùng phát cơn gút cấp. Sau đây là 8 cách giảm mức axit uric có thể thực hiện tại nhà.
Hạn chế thực phẩm giàu purin
Purin là hợp chất tự nhiên trong một số loại thực phẩm. Khi cơ thể phân hủy purin, nó tạo ra axit uric. Quá trình chuyển hóa thức ăn giàu purin có thể dẫn đến bệnh gút do cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric.
Cần lưu ý những thực phẩm có hàm lượng purin cao bao gồm: thịt thú rừng, cá hồi, cá ngừ, cá tuyết, cá mòi, cá cơm, cá trích, trai, thịt xông khói, các sản phẩm từ sữa và thịt đỏ (kể cả thịt bê), nội tạng, thực phẩm và đồ uống có đường, rượu bia. Một số thực phẩm có hàm lượng purin vừa phải bao gồm: thịt nguội, giăm bông, thịt bò, thịt gia cầm, hàu, tôm, cua... nên ăn với mức độ có kiểm soát.
Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng purin thấp
Bằng cách chuyển từ thực phẩm có hàm lượng purin cao sang thực phẩm có hàm lượng purin thấp hơn, có thể giảm nồng độ axit uric hoặc ít nhất là tránh tăng thêm. Một số thực phẩm có hàm lượng purin thấp bao gồm: các sản phẩm sữa ít béo và không có chất béo; bơ đậu phộng và hầu hết các loại hạt; các loại trái cây và rau quả; cà phê; gạo nguyên hạt, bánh mì và khoai tây.
Tránh các loại thuốc làm tăng axit uric
Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ axit uric (thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế miễn dịch, aspirin liều thấp). Tuy nhiên, thuốc được kê là để điều trị bệnh, nhiều khi lợi ích cao hơn nguy cơ, vì vậy khi phải uống thuốc cần trao đổi với bác sĩ chứ không tự ý thay đổi bất kỳ loại thuốc nào.
Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút, đặc biệt là ở những người trẻ. Thừa cân cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa. Nó có thể làm tăng huyết áp và cholesterol, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Nhưng ngược lại, việc giảm cân quá nhanh, đặc biệt là khi nhịn ăn, có thể làm tăng nồng độ axit uric. Vì vậy, nên lập kế hoạch giảm cân bền vững, chẳng hạn như trở nên năng động hơn, chọn chế độ ăn uống cân bằng và thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Tránh rượu và đồ uống có đường
Uống nhiều rượu và đồ uống có đường liên quan đến tăng nguy cơ phát triển bệnh gút. Rượu và đồ uống có đường cũng bổ sung lượng calo không cần thiết vào chế độ ăn uống, gây tăng cân và các vấn đề trao đổi chất.
Uống cà phê
Trong một nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ uống 1-3 tách cà phê mỗi ngày giảm 22% nguy cơ mắc bệnh gút, uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày giảm được 57% nguy cơ mắc tình trạng này. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng uống cà phê lâu dài có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì những người bị bệnh gút có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, uống cà phê có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của họ.
Bổ sung vitamin C
Uống bổ sung vitamin C có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Một phân tích tổng hợp năm 2011 cho thấy vitamin C làm giảm đáng kể nồng độ axit uric trong máu. Nồng độ axit uric giảm có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh gút.
Ăn quả anh đào
Ăn anh đào (cherry) có thể làm giảm nguy cơ bệnh gút, đặc biệt ở những người mắc bệnh. Một nghiên cứu năm 2012 trên 633 người bị bệnh gút cho thấy ăn quả anh đào làm giảm nguy cơ bùng phát cơn gút cấp xuống 35%. Hiệu ứng này vẫn tồn tại ngay cả khi kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, uống rượu và sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc điều trị bệnh gút. Trong số những người tham gia nghiên cứu có sử dụng allopurinol, một loại thuốc trị gút, sự kết hợp của thuốc và quả anh đào đã làm giảm 75% nguy cơ bị tấn công bởi một cơn gút cấp khác.
BS. Nguyễn Quân - Suckhoedoisong.vn