TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) – Trưởng ban điều hành xây dựng đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2020 cho biết.
Đề “mềm” hơn, không có kiến thức đã tinh giản
TS Sái Công Hồng cho biết, đề tham khảo được các giáo viên, giảng viên giỏi, có kinh nghiệm, nhiệt huyết tham gia xây dựng.
Theo đó, đề được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó.
Các câu hỏi trong tất cả đề thi đều không ra những nội dung kiến thức đã được tinh giản thuộc chương trình học kỳ 2 của lớp 12, năm học 2019-2020.
Đặc biệt, câu hỏi trong đề tham khảo thuộc nội dung kiến thức của học kỳ này cũng chỉ còn ở cấp độ nhận biết và thông hiểu, giảm toàn bộ những câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
Về định dạng và cấu trúc đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 có độ khó “nhẹ nhàng” hơn so với đề thi tham khảo và cả đề thi chính thức năm 2019. Trong đó, khoảng 70% câu hỏi thuộc nội dung kiến thức cơ bản; 20% câu hỏi mức độ vận dụng và 10% câu hỏi ở mức vận dụng cao.
Nội dung đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, có một phần nhỏ kiến thức của nội dung chương trình lớp 11.
Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn thi đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và lần lượt từ dễ đến khó. Càng về cuối mỗi đề thi, các câu hỏi càng có tính phân loại ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
TS Sái Công Hồng: “Đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia 2020 tới đây cũng phải tuân thủ đúng quy định, trong đó không thi kiến thức đã tinh giản.
Tuy nhiên, vẫn có thể kiểm tra phần tự học có hướng dẫn, hoặc ra trong đề thi. Vì vậy, giáo viên cần thông báo cho học sinh để các em yên tâm học tập, ôn luyện”.
Tận dụng tối đa thời gian để nắm chắc kiến thức cơ bản
Với sự điều chỉnh về định dạng, cấu trúc giảm độ khó của đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020, TS Sái Công Hồng khuyên học sinh lớp 12 nên tận dụng tối đa thời gian để học tập và ôn luyện thật chắc kiến thức cơ bản, từ đó “ăn điểm” tối đa 70% câu hỏi của toàn bài.
“Từ chương trình tinh giản và đề thi tham khảo cho thấy, các nội dung còn lại trong chương trình học kỳ 2 lớp 12 hầu hết là kiến thức cơ bản, học sinh có thể tự tin tiếp thu, ôn luyện qua nhiều hình thức học tập khác nhau và rất thuận lợi cho phương thức dạy-học qua internet, trên truyền hình.
Do đó, các em cần vừa tự rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình THPT, tập trung chủ yếu vào nội dung chương trình lớp 12; vừa cố gắng tận dụng tối đa các bài giảng qua internet và truyền hình để nắm bắt và lĩnh hội đầy đủ các kiến thức phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia”, TS Sái Công Hồng nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng lưu ý, ngoài bài giảng trên truyền hình của các Đài Phát Thanh – Truyền hình địa phương, học sinh nên theo dõi thêm các chương trình dạy học và ôn tập kiến thức trên Đài tỉnh khác và kênh truyền hình giáo dục quốc gia (VTV7) với các nội dung do Bộ GD&ĐT phối hợp thực hiện.
Ngoài ra, các em nên xây dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11.
“Việc ôn tập các chủ đề có thể hệ thống hóa qua các mô hình, sơ đồ để có tính xâu chuỗi các mạch kiến thức, giúp bao quát và dễ hình dung”, TS Sái Công Hồng nói.
Cho phép thi thử qua internet bằng đề tham khảo
Để khai thác đề thi tham khảo phục vụ quá trình dạy học, giúp học sinh ôn luyện chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, TS Sái Công Hồng lưu ý, các giáo viên nên phân tích định dạng và cấu trúc đề theo các nhóm cấp độ câu hỏi (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao), theo các chủ đề của nội dung kiến thức.
Từ đó, khu trú lại những nội dung hết sức căn bản và tích hợp các chủ đề để định hướng việc dạy học, ôn tập cho học sinh.
Đặc biệt, với những câu hỏi ở cấp độ nhận biết và thông hiểu, thầy cô nên phân tích từng câu để xem các câu hỏi thuộc chủ đề nào, khối kiến thức nào.
Trên cơ sở đó, thầy cô hệ thống hóa kiến thức, sắp xếp các chủ đề liên thông với nhau để ôn tập tốt kiến thức căn bản, làm tiền đề cho số câu hỏi thuộc nội dung cấp độ vận dụng và vận dụng cao còn lại.
“Thầy cô giáo nên tư vấn hoặc tổ chức cho học sinh thi thử đề tham khảo thi THPT quốc gia qua mạng intrernet, để các em làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, rèn luyện về tâm lý thi cử cho học sinh.
Cách làm này cũng giúp các em hình thành kinh nghiệm trong việc kiểm soát, làm chủ thời gian cho mỗi bài thi, rèn luyện khả năng tập trung cao độ trong một khoảng thời gian dài.
Kết quả thi thử hay các bài kiểm tra gần với cách thức thi THPT quốc gia giúp học sinh tự đánh giá được việc nắm kiến thức trong chương trình của mình, biết chỗ nào còn yếu, còn bị hổng để có kế hoạch học tập và ôn luyện”, TS Hồng nói.
Có thể ra đề ở phần tự học có hướng dẫn
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng lưu ý, trong hướng dẫn điều chỉnh chương trình, Bộ GD&ĐT đã nêu rõ: “Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh này yêu cầu “không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học”.
“Đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia 2020 tới đây cũng phải tuân thủ đúng quy định, trong đó không thi kiến thức đã tinh giản.
Tuy nhiên, vẫn có thể kiểm tra phần tự học có hướng dẫn, hoặc ra trong đề thi. Vì vậy, giáo viên cần thông báo cho học sinh để các em yên tâm học tập, ôn luyện”.
“Trong bối cảnh cả nước đồng lòng, chung sức chống lại đại dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, mong các thầy cô trong quá trình giảng dạy, trong đó có dạy học qua internet và truyền hình, sẽ bám sát nội dung tinh giản và đề thi tham khảo, để hỗ trợ học sinh học tập và ôn luyện vững vàng, tự tin hơn.
Mỗi thầy cô cùng cố gắng thực tốt nhất thông điệp chung của toàn ngành là “tạm dừng đến trường, không dừng học” – TS Sái Công Hồng nói.