Hotline: 0968266345
MÃ TRƯỜNG: CDD0122 Trang chủ Tìm kiếm
Danh mục

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2021 khó hay dễ?

Cập nhật: 01/04/2021 Lượt xem: 516

Bộ GD-ĐT vừa công bố đề thi tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo nhiều giáo viên, đề thi phù hợp với tinh thần chung của Bộ GD-ĐT cũng như hướng ôn tập trong những năm gần đây.


Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Ảnh: MAI THƯƠNG

Môn văn: Xu hướng giảm tải khá rõ

Theo TS Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên THPT Chu Văn An (Hà Nội), đề minh họa môn ngữ văn nhìn chung không thay đổi so với đề thi tham khảo lần 2 và đề thi chính thức các năm trước.

Phần đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ 16 câu, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại khá rõ ranh giới của các cấp độ nhận thức. Hai câu đầu dừng lại ở mức câu hỏi nhận biết, câu hỏi số 3 hướng tới sự vận dụng và thông hiểu khi yêu cầu thí sinh lý giải cách hiểu về các hình ảnh trong ba dòng thơ.

Câu hỏi số 4 có thể coi là câu hỏi mang tính chất tổng hợp, mức độ vận dụng và vận dụng cao. Ở đây yêu cầu thí sinh xác định đúng mạch ý tình trong đoạn trích, đồng thời vận dụng những kiến thức xã hội, lịch sử, địa lý… để có cái nhìn chân thực, chính xác về tình cảm tác giả dành cho miền Trung.

"Nhìn chung, với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kỳ thi THPT quốc gia trước đây, phần đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kỹ năng hứa hẹn khả quan cho quỹ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài", cô Tuyết nói.

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần đọc hiểu trước đó.

Câu nghị luận văn học, theo đề minh họa năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kỹ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi yêu cầu "phân tích hình ảnh sông Hương" trong một trích đoạn ngữ liệu ngắn gọn - đoạn văn miêu tả thủy trình của sông Hương khi đã ra khỏi những cánh rừng đại ngàn, trôi chảy giữa ngoại vi thành Huế - sau đó là yêu cầu nhận xét về tính trữ tình trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Với cấu trúc của câu nghị luận văn học, thí sinh sẽ xác định rất rõ ràng các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, có ý thức gắn kết giữa nội dung và nghệ thuật trong quá trình phân tích. Một trích đoạn ngắn làm ngữ liệu nghị luận, hai câu lệnh với hai yêu cầu về nội dung nghị luận vừa hòa kết, vừa tách bạch, câu nghị luận văn học cũng không làm khó cho học sinh trong quá trình làm bài.

Cô Tuyết cho rằng nếu đề thi chính thức đúng với tính chất đề minh họa về cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi minh họa, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới, dù không có được nhiều cảm giác hồi hộp đón chờ sự mới mẻ, bất ngờ, điều vốn luôn là những thách thức thú vị cần có của mỗi kỳ thi.

Môn toán: Khó hơn năm trước

TS Trần Nam Dũng - phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ đề toán chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12. Những điểm kiến thức lớp 11 chỉ khoảng 5 câu với độ khó mức 1 và 2. Phần kiến thức lớp 12 trải đều từ đầu năm đến cuối năm, riêng lớp 11 rơi vào mảng xác suất, tổ hợp, cấp số cộng, hình học không gian.

Về tổng thể đề thi, 39 câu đầu độ khó ở mức độ 1-2, 6 câu tiếp theo ở mức độ 3, và 5 câu cuối ở mức độ 4. Câu phân loại vận dụng cao đề minh họa ứng dụng của đạo hàm trong khảo sát hàm số, số phức, hình học giải tích… "Đề thi có độ khó cao hơn năm 2020 nhưng tương đương với năm 2019", thầy Dũng nhận xét.

Thầy Dũng cho rằng học sinh nên đặt ra những cột mốc cho mình với đề thi toán. Chẳng hạn, với những bạn sức học ổn, trước hết nên tập trung ôn tập và giải quyết 45 câu đầu cho thật tốt. Nếu sức học thấp hơn một chút, nên lấy 38 câu đầu làm chuẩn để hoàn thành thật tốt. Khi xong mục tiêu của mình mới tính đến những câu tiếp theo.

Trong khi đó, thầy Lâm Công Chính - giáo viên dạy toán Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) - nhắc học sinh cần tập trung ôn tập kiến thức trong chương trình lớp 12. Riêng những câu hỏi phân hóa thường tập trung ở phần kiến thức hàm số, tích phân, số phức và khối tròn xoay, do vậy nếu muốn đạt điểm cao nên ôn chắc những phần này.

Nguồn: tuoitre.vn


Gửi email In trang
Bình luận facebook
(Hãy gọi 0968266345 hoặc gửi yêu cầu để được tư vấn miễn phí)
Đăng ký xét tuyển
Lưu ý: Các ô có dấu (*) bắt buộc phải điền đầy đủ
Hỗ trợ trực tuyến