Môn Hóa: Phạm vi điều chỉnh rộng nhưng kiến thức không lược bỏ nhiều
Theo Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp THPT môn Hóa học đính kèm Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH được ban hành, có thể thấy tinh thần chung của việc tinh giản là rút ngắn thời gian dạy học và tăng cường thời gian tự học của học sinh.
Có thể khái quát việc tinh giản môn Hóa ở khối THPT như sau:
- Thứ nhất là lược bỏ, không dạy, không thực hiện các bài Thực hành, thí nghiệm;
- Thứ hai là không làm các bài tập phức tạp, nặng về tính toán và không phù hợp với thực tế kiểm tra, đánh giá hiện nay;
- Thứ ba là gộp, tích hợp các kiến thức có liên quan với nhau thành một Chủ đề học tập. Ví dụ: tích hợp khi dạy về chủ đề nhóm Halogen, chủ đề lưu huỳnh và hợp chất của lưu huỳnh (lớp 10); chủ đề Benzen và đồng đẳng (lớp 11); chủ đề sắt và hợp chất của sắt (lớp 12),..
- Thứ tư là khuyến khích học sinh tự đọc, tự học có hướng dẫn các nội dung lý thuyết đơn giản, dễ hiểu hoặc đã được học từ các lớp dưới;
- Thứ năm là khuyến khích học sinh tự làm các bài tập có tính vận dụng trong các bài Luyện tập.
Nhìn chung, hầu hết ở các chương, bài trong chương trình học kỳ II của cả 3 khối lớp 10, 11 và 12 đều có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình nghỉ học kéo dài những ngày gần đây.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh chủ yếu nằm ở cách thức dạy và học, còn nội dung kiến thức bị lược bỏ không quá lớn, chỉ chiếm 10-15%. Có thể thấy, mạch kiến thức chung vẫn được đảm bảo, do đó học sinh sẽ không lo gặp khó khăn, trở ngại khi lên lớp, tiếp tục chương trình của các năm học tiếp theo.
Những sự điều chỉnh này cũng có ý nghĩa tích cực khi góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp giáo dục, khuyến khích các thầy cô dạy học theo hướng tích hợp và xây dựng thói quen tự học của học sinh.
Với học sinh, như đã nói ở trên, việc điều chỉnh phạm vi kiến thức là không nhiều. Do đó, các em vẫn cần duy trì thái độ và ý thức học tập nghiêm túc, đều đặn để có thể đáp ứng được mục tiêu đầu ra của môn học cũng như các yêu cầu của thầy cô.
Với những trở ngại khi phải học trực tuyến, học qua truyền hình hiện nay, các em cần xây dựng, hình thành cho mình những kỹ năng và thói quen học tập chủ động. Quan trọng nhất là sự tự giác, kiên trì, tập trung dành nhiều thời gian tự học.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa học - Hệ thống Giáo dục HOCMAI
Môn Vật lí: Nội dung giảm tải Vật lí THPT tăng cường hoạt động tự học của học sinh
Để đối phó với tình hình dịch bệnh Covid 19 đang lan rộng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc dạy và học, ngày 31/03/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Học kì II, năm học 2019-2020, chương trình giáo dục phổ thông tại Việt Nam.
Đối với Môn Vật lí THPT, nội dung dựa trên sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhưng được điều chỉnh lại theo hướng tinh giản nội dung, rút ngắn thời gian dạy học, đồng thời tăng cường hoạt động tự học của học sinh, cụ thể:
Đối với chương trình Vật lí Lớp 10: Nội dung điều chỉnh nằm trong khoảng từ Bài 23 đến Bài 40. Thực hiện giảm tổng số từ 18 bài học xuống còn 8 bài học và 2 bài khuyến khích học sinh tự học (38, 39) bằng cách nhóm hai hoặc ba bài học lại thành một bài học tích hợp; lược bỏ một bài (35) và một số mục nhỏ trong một số bài học; chuyển một số đáng kể đề mục sang cho sinh tự học có hướng dẫn hoặc khuyến khích học sinh tự học.
Đối với chương trình Vật lí Lớp 11: Nội dung điều chỉnh nằm trong khoảng từ Bài 19 đến Bài 35. tiến hành giảm tổng số từ 16 bài học xuống còn 8 bài học và 3 bài khuyến khích học sinh tự học (19, 20, 31) bằng cách nhóm hai hoặc ba bài học thành một bài học tích hợp; lược bỏ 2 bài (22, 30) và một số mục nhỏ trong một số bài học; chuyển một số đáng kể đề mục sang cho sinh tự học có hướng dẫn hoặc khuyến khích học sinh tự học.
Đối với môn Vật lí Lớp 12: Nội dung điều chỉnh nằm trong khoảng từ Bài 20 đến Bài 41. Thực hiện giảm tổng số từ 22 bài học xuống còn 9 bài học bằng cách nhóm hai hoặc ba bài giảng thành một bài giảng tích hợp; chuyển một số đáng kể đề mục sang cho sinh tự học có hướng dẫn hoặc khuyến khích học sinh tự học; lược bỏ 6 bài (32, 34, 38, 39, 40, 41) và một số mục nhỏ trong một số bài học.
Về phương pháp dạy và học, các điều chỉnh trên đây được thực hiện theo hướng giảm bớt thời gian dạy lí thuyết; giảm bớt hoạt động thực hành; chủ yếu giới thiệu công thức và hướng dẫn cho học sinh tự học, tự làm bài tập.
Có thể thấy những điều chỉnh mà Bộ GD&ĐT mới công bố là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, khi mà phần lớn nhà trường bị đóng cửa chống dịch, cả nước chuyển sang phương thức học trực tuyến mới mẻ nên hiệu quả học tập còn thấp và khó kiểm soát.
Đối với các bạn học sinh thi THPT Quốc Gia năm 2020 cần lưu ý :
Những nội dung “Không làm, Không thực hiện, Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện) trong chương trình Lớp 12 năm học 2019-2020 xác suất xuất hiện trong đề thi THPT quốc gia cực thấp, nếu có sẽ được học sinh sử dụng khi xử lí các câu hỏi suy luận hoặc câu hỏi vận dụng cao.
Các nội dung thuộc phần “Không dạy” sẽ không xuất hiện. Có thể ước lượng phần nội dung bị lược bỏ chiếm khoảng từ 10% đến 15% so với trước, nhưng câu hỏi sẽ được chuyển qua các nội dung còn lại.
Do phần lớn đề thi được biên soạn nhằm dàn thí sinh trên thang năng lực để các trường đại học tuyển sinh đầu vào nên những nội dung chuyển qua tự học có hướng dẫn hoàn toàn có khả năng xuất hiện trong đề thi, các bạn không được sao nhãng hoặc bỏ qua không học những phần này.
Sắp tới đây Bộ GD và ĐT sẽ công bố đề thi minh họa cho kì thi THPTQG 2020, các bạn cần theo dõi để cập nhật kịp thời cấu trúc và nội dung đề thi để ôn luyện cho tốt.
Cuối cùng xin lưu ý các bạn học sinh là đối với mục tiêu tuyển sinh đại học thì độ khó của đề và phạm vi nội dung của đề thi chỉ gây tác động tới điểm trung bình và phổ điểm thi, nhưng tác động rất ít đến kết quả đỗ hay trượt của thí sinh.
Cái quyết định chính vẫn là thứ hạng của bạn trong tổng số thí sinh dự thi vào ngành học mà các bạn thi vào. Vì vậy dù trong hoàn cảnh nào thì để có được kết quả mỹ mãn, các bạn cũng cần phải nỗ lực học tập ở mức cao nhất.
Thầy Nguyễn Thành Nam, giáo viên Vật lí - Hệ thống Giáo dục HOCMAI