PHÂN BIỆT MEN TIÊU HÓA VÀ MEN VI SINH
Men tiêu hóa là gì ?
Men tiêu hóa còn gọi là enzyme do cơ thể tiết ra từ các cơ quan khác nhau trong hệ thống đường tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn. Như: men Amylase trong nước bọt phân giải tinh bột chín thành đường mantose.
-Dạ dày bài tiết ra acid Clohydric (HCl) và các men Pepsin, Lipase. HCl tạo môi trường thuận lợi cho men Pepsin hoạt động. Pepsin "cắt" chất đạm thành những chuỗi polypeptid ngắn, tiêu hóa các sợi collagen - một phần của mô liên kết nằm giữa các tế bào của thịt. Chỉ khi các sợi collagen đã được tiêu hóa, men Pepsin mới thấm được vào thịt để phân giải chúng. Men Pepsin của dạ dày chỉ có tác dụng tiêu hóa được 10-20% chất đạm của thức ăn. Còn men Lipase của dạ dày có tác dụng rất yếu, chỉ tiêu hóa được dạng chất béo đã được nhũ tương hóa (chất béo của sữa, trứng).
-Tụy có đủ các loại men để tiêu hóa protein, lipid và gluxit thành các phân tử đơn giản cuối cùng giúp cơ thể hấp thu vàchuyển hóa được. Men tiêu hóa protein gồm trypsin, chymotrypsin và carboxypolypeptidase, có tác dụng phân giải Protein của thức ăn thành Polypeptid sau đó lại phân giải thành các dipeptid rồi thành các acid amin. Men tiêu hóa lipid bao gồm lipase phân giải được gần như hoàn toàn trigycerid của thức ăn do ở ruột có mật làm cho Lipid của thức ăn bị nhũ tương hóa, phospholipase phân giải mọi loại phospholipid của thức ăn và cholesterol esterase phân giải este của cholesterol thành acid béo và sterol. Men tiêu hóa gluxid gồm amylaza phân giải cả tinh bột chín và sống thành maltose, maltase phân giải maltose thành glucose.
-Gan bài tiết ra mật, đóng vai trò quan trọng trong việc hòa tan các chất mỡ, tạo điều kiện cho các men lipase tiêu hóa mỡ hoạt động.
-Tại ruột non, dịch ruột cũng chứa đầy đủ các men tiêu hóa protein, lipid và glucid, phân giải chất dinh dưỡng ở giai đoạn cuối cùng thành những phân tử đơn giản để hấp thu qua thành ruột vào máu. Thức ăn tại đây được nhào trộn với dịch tụy, mật và dịch ruột. Sự tiêu hóa sẽ được hoàn tất trong lòng ruột và các tế bào niêm mạc ruột.
Trên là một số men tiêu hóa do cơ thể tiết ra để tiêu hóa thức ăn, nhưng nếu vì lý do gì đó cơ thể không tiết hoặc tiết ít men tiêu hóa nên dẫn đến cơ thể ốm yếu, nhất là trẻ em. Vì vậy mới phải bổ sung men tiêu hóa.
Hiện nay Men tiêu hóa có trên thị trường dược phẩm là những hợp chất được bào chế và có tác dụng như các enzym tiêu hóa.
Khi nào sử dụng men tiêu hóa?
Men tiêu hóa được bác sĩ chỉ định dùng khi trẻ bị thiếu men tiêu hóa, khả năng tiêu hóa thức ăn kém, các tuyến tiêu hóa bị tổn thương như trong một số trường hợp: Viêm teo ruột kéo dài, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng… Hoặc những trẻ mới ốm dậy, thể lực yếu, hệ tiêu hóa chưa tiết men đầy đủ cũng được chỉ định dùng men tiêu hóa để giúp cơ thể phục hồi nhanh.
Chỉ được dùng trong một thời gian nhất định để tăng cường khả năng tiêu hóa. Không nên sử dụng men tiêu hóa lâu ngày vì sẽ gây tác dụng ngược, làm giảm sự bài tiết các enzym tiêu hóa của cơ thể và trẻ phải phụ thuộc vào nguồn enzym từ bên ngoài.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng không nên cho uống men tiêu hóa. Vì ở độ tuổi này hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định sẽ dẫn đến tiêu chảy nếu dùng không đúng cách, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ về sau này.
Men vi sinh
Men vi sinh là gì?
Men vi sinh còn gọi là Probiotic hay vi khuẩn thân thiện là các chế phẩm chứa các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Những chế phẩm có probiotic được gọi là men vi sinh. Có hơn 400 loài vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại sống trong ống tiêu hóa. Chúng sống cân bằng và có vai trò như hàng rào bảo vệ, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh đường ruột và duy trì một số hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Khi sự cân bằng của hệ vi khuẩn bị phá vỡ sẽ gây tiêu chảy. Đây là lúc cơ thể cần bổ sung men vi sinh để cân bằng hệ vi khuẩn của đường ruột.
Ngoài tác dụng phòng ngừa và điều trị tiêu chảy, men vi sinh còn có một số lợi ích cho sức khỏe như: tăng cường sức đề kháng, bảo vệ dạ dày do ức chế vi khuẩn Helicobacterpylori, giảm cholesterol, phòng ngừa táo bón…
Bên cạnh đó còn có loại gọi là Prebiotic là chất xơ để tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi (probiotic) phát triển. Hiện nay các men vi sinh trên thị trường thường bổ sung cả probiotic và prebiotic để tăng hiệu quả phòng ngừa và điều trị rối loạn vi khuẩn đường ruột như Antibio, Biolactin, Bioflor… bản chất là các loại vi khuẩn hoặc nấm, là những vi khuẩn có lợi cho đường ruột có tác dụng cạnh tranh với các vi khuẩn có hại có khả năng gây bệnh cho trẻ, giúp ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa.
Khi nào cần sử dụng men vi sinh?
Men vi sinh được chỉ định sử dụng khi đường ruột bị rối loạn tạp khuẩn với biểu hiện như: Tiêu chảy, đi ngoài phân sống, khó tiêu, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa… thường gặp ở người bị bệnh phải điều trị kháng sinh dài ngày. Men vi sinh có thể dùng dài ngày nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng men vi sinh đúng cách
- Nên sử dụng các thực phẩm có chứa men vi sinh: sữa, sữa chua…
- Nên uống nguyên viên (dạng viên), pha men vi sinh với nước đun sôi để nguội (dạng bột). Uống trước bữa ăn chính 30 phút.
- Không nên pha men vi sinh với thức ăn, thức uống nóng sẽ làm cho vi khuẩn bị tiêu diệt.
- Không nên uống men vi sinh cùng lúc với kháng sinh.
Khoa dược Trường Cao đẳng Y Hà Nội – Tổng hợp