Đều đặn mỗi sáng, thầy Ngô Thái Ngọ (29 tuổi, giáo viên Vật lý ở Hà Nội) lại bắt đầu buổi dạy học livestream trên Facebook để củng cố kiến thức cho học sinh trong những ngày nghỉ học vì dịch Covid-19.
Theo thầy giáo này, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để chung tay ngăn chặn bệnh lây lan ra cộng đồng, chúng ta nên hạn chế tụ tập nơi đông người.
Tuy nhiên, với giáo viên và học sinh vẫn phải đảm bảo việc dạy/học: “Nghỉ học không có nghĩa là ngừng học, bởi vì thời gian luôn trôi đi, các kỳ thi và bài kiểm tra luôn chờ đợi các khối học sinh khi các em đi học lại, nhất là với học sinh cuối cấp.
Học nhưng làm sao vẫn đảm bảo an toàn, đấy là thách thức với nhiều giáo viên và học sinh”, thầy Ngọ cho hay.
Đồng hành cùng học sinh, thầy giáo 9X này đã áp dụng công nghệ 4.0 vào việc ôn tập cho các em qua facebook, youtube.
Theo thầy Ngọ, trước tiên, học sinh và các bậc phụ huynh cần chuẩn bị máy tính, laptop, điện thoại và biết sử dụng các phần mềm hỗ trợ học tập hoặc các chương trình học tập theo yêu cầu của giáo viên.
Việc học online cũng quan trọng như học offline, chính vì thế cẩn chuẩn bị cho mình tâm lý, ý thức và kỷ luật như học trên lớp, cần đưa con người và tư tưởng của mình vào một trạng thái học tập nghiêm túc.
“Sắp xếp thời gian hợp lý, tắt các trang web giải trí và bỏ sang một bên những cám dỗ mà các em gặp phải để tập trung trong thời gian học online. Các em cũng cần chuẩn bị sách vở, giấy bút, máy tính bỏ túy và các dụng cụ cần thiết như học trên lớp và sẵn sàng ghi chép đầy đủ”, thầy Ngọ chia sẻ.
Nam giáo viên này cũng cho hay, trong quá trình học online, học sinh cần giữ thái độ tập trung giống như trên lớp học.
Trong thời gian học, nếu chỗ nào chưa hiểu có thể tương tác trực tiếp với thầy hoặc ghi lại những phần chưa rõ để có thể xem lại. Cần ghi chép đầy đủ những kiến thức mà các thầy cô đang dạy trực tiếp.
Sau khi học online, học sinh cần xem lại những phần chưa nắm được trong quá trình thầy cô giảng bàng cách tua lại video, đây cũng là lợi thế của việc học online.
“Nếu có thêm thắc mắc gì có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên hoặc các anh chị trợ giảng trong các nhóm kín hoặc đội ngũ chăm sóc học sinh mà các em đang theo học.
Làm bài tập được giao về nhà đầy đủ và nộp lại theo yêu cầu của giáo viên quản lý.
Học online, các giáo viên có thể chữa chi tiết từng bài cho học sinh nên sau khi làm bài tập các em có thể xem lại các video chữa chi tiết”, nam giáo viên 9X chia sẻ.
Ngoài ý thức học tập của học sinh, gia đình và giáo viên cũng như đội ngũ trợ giảng đóng vai trò quan trọng trọng việc các em học online.
Với phụ huynh, cần luôn giám sát, nhắc nhở các em học tập đúng thời gian quy định.
Còn đối với giáo viên, cần phải có những bài giảng online cuốn hút học sinh, phương pháp dễ hiểu, dễ truyền tải, tiếp cận và cập nhật cách học online thường xuyên. Giải đáp các thắc mắc của các em học sinh.
Ngoài ra, đội ngũ trợ giảng luôn sẵn sàng hỗ trợ các em. Quản lý bài tập và yêu cầu các em nộp bài tập đầy đủ , cũng như cập nhật điểm số, thứ hạng học tập, theo dõi sát sự tiến bộ của từng em hàng tháng.
“Việc học sinh có ý thức học online sẽ rất tốt trong thời điểm nghỉ học phòng tránh dịch bệnh.
Ở lớp tôi, có những người trợ giảng, chốt điểm số, bài của học sinh, học sinh chưa xem trực tiếp có thể xem lại. Không để cho học sinh mất kiến thức.
Đặc biệt, chúng tôi cũng thường xuyên ra bài kiểm tra để các em làm giúp các em nâng cao kiến thức”, thầy Ngọ nói thêm.
Được biết, Ngô Thái Ngọ là giáo viên Vật lý thế hệ 9X tại Hà Nội. Anh được học sinh nhắc đến nhiều trên mạng xã hội bởi cách giảng dạy dí dỏm, vui tươi chứ không phải hình ảnh giáo viên Vật Lý khô khan.
Vốn theo học Đại học Xây dựng nhưng đến năm thứ 2 đại học, Ngọ choáng váng khi bác sĩ cho biết mẹ mình bị u não.
Số tiền dành cho các ca mổ của mẹ khiến gia đình cậu sinh viên này gặp không ít khó khăn.
Để có tiền theo học, chàng sinh viên này đã làm đủ mọi công việc từ shipper, kinh doanh và bén duyên với nghề gia sư.
Nhờ có kiến thức vững chắc môn Vật lý cùng khiếu ăn nói có duyên, dễ hiểu nên Ngô Thái Ngọ chiếm được tình cảm của nhiều học trò. Nhiều trung tâm luyện thi đại học sau đó cũng mời anh về giảng dạy.
Từ việc làm gia sư để trang trải phụ giúp gia đình, dần dà anh đam mê nghề giáo và nhận ra công việc này mới chính là điều mình cần.
Anh đã truyền đạt cho nhiều học sinh về môn Vật lý, phần nào giúp môn học không còn khô khan và đáng sợ với học sinh.
Nguồn: dantri.com.vn